Trong thời gian gần đây, tình hình chăn nuôi heo ở nước ta không mấy thuận lợi. Bão giá đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng đàn heo. Với sự tuột dốc không phanh của giá heo hơi, bên cạnh việc cắt giảm chi phí chăn nuôi, một số vùng chăn nuôi đã bắt đầu bùng nổ nhiều dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long mống, dịch tiêu chảy cấp, đóng dấu son ... Đây là thời điểm đàn heo cần được bảo vệ để giảm tối đa những thiệt hại có thể xảy ra. Biện pháp đầu tiên và tối ưu nhất cần được quan tâm và áp dụng triệt để chính là “An toàn sinh học trong chăn nuôi”.

An toàn sinh học là áp dụng tất cả các biện pháp về khoa học - kỹ thuật nhằm ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh xâm nhập và gây hại đến con người, gia súc và môi trường. Bên cạnh những biện pháp quản lý, chăm sóc đàn thì đây cũng là một yếu tố quyết định đến thành - bại của trang trại. Người chăn nuôi phải nắm vững những nguyên tắc cơ bản sau để quản lý đàn vật nuôi của mình một cách tốt nhất.

Đầu tiên, đối với những trang trại mới bắt đầu chăn nuôi, bà con nên chọn vị trí xây dựng chuồng phù hợp với điều kiện ở địa phương, thuận tiện trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Trại chăn nuôi nên được đặt ở vùng đất cao ráo, nhiều ánh sáng và phải cách xa đường lớn, lò mổ, chợ, khu dân cư, trường học, bệnh viện…

Thứ hai, trại chăn nuôi nên được thiết kế chia thành các khu riêng biệt (khu vực văn phòng, khu vực chăn nuôi) và có hàng rào bao quanh. Nên bố trí hố sát trùng xe ra vào, nhà tắm cho nhân viên, nhà kho để sát trùng dụng cụ, nơi để xe, nơi xử lý chất thải và heo chết..

Bên cạnh đó, nhân viên và khách tham quan khi vô trại phải tắm, gội, thay quần áo, giày dép sử dụng riêng trong trại và không được đem bất kỳ đồ dùng cá nhân nào như điện thoại, ba lô, túi xách ... vào bên trong. Vấn đề quan trọng là nên hạn chế tối đa người ra vào để tránh làm lây nhiễm mầm bệnh từ bên ngoài vào trong trang trại.

Heo hậu bị, heo đực giống nhập khi được nhập vào trại phải biết rõ nguồn gốc rõ ràng, được tiêm phòng đầy đủ. Có khu chuồng nuôi cách ly khoảng 45 - 60 ngày giúp heo thích nghi, hồi phục sức khỏe. Trước khi nhập đàn, heo nên được kiểm tra một số bệnh cơ bản để đảm bảo không còn mầm bệnh nào có thể lây lân vào đàn heo của mình. Đối với những trang trại không tự sản xuất tinh thì phải kiểm soát kỹ về chất lượng và nguồn gốc của những liều tinh nhập vào.

Trong khu vực chăn nuôi, nên có khu chuồng cách ly động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh để dễ dàng theo dõi và điều trị bệnh kịp thời. Áp dụng chặt chẽ các biện pháp cùng vào - cùng ra nhằm hạn chế lây lan mầm bệnh từ nhóm này sang nhóm khác. Vệ sinh, sát trùng chuồng trại sạch sẽ sau mỗi đợt chuyển heo. Chú ý những góc khuất nhỏ như góc chuồng, phía dưới máng ăn heo con, chổ heo con đi phân, đèn ủ ấm…

Giảm stress cho heo bằng các biện pháp quản lý: Giảm mật độ nuôi, kiểm soát môi trường sống, nhiệt độ, độ ẩm và tốc độ gió. Bổ sung các chất bổ trợ để nâng cao sức đề kháng bệnh cho đàn vật nuôi vào những lúc giao mùa. Trộn thuốc và tiêm phòng định kì một số bệnh nguy hiểm trên heo để bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi.

Hạn chế các xe vận chuyển cám, thuốc, dụng cụ vào trong trang trại. Trường hợp bắt buộc phải vào thì nên được sát trùng sạch sẽ cả bánh xe, gầm xe và carbin. Xe của nhân viên cũng phải được sát trùng trước khi được đưa vào.

Tất cả thuốc, dụng cụ chăn nuôi phải được cách ly và sát trùng 24h mới được nhập vào kho. Nên bố trí kho riêng biệt để thuốc, vaccine, dụng cụ chăn nuôi và các hóa chất khác. Các chai lọ, kim tiêm, bao cám, bao thuốc, dụng cụ bị hỏng phải được thu gom lại, phân loại và xử lý theo quy định.

Kiểm tra giám sát thường xuyên nguồn thức ăn, nước uống đảm bảo vệ sinh không vấy nhiễm mầm bệnh gây hại cho động vật và người sử dụng. Sử dụng thuốc sát trùng nguồn nước nhằm giảm tác nhân gây bệnh cho vật nuôi. Thức ăn phải luôn tươi mới không bị ẩm ướt hay nấm mốc sẽ làm giảm tính ngon miệng và có nguy cơ gây bệnh cho vật nuôi.

Sử dụng các biện pháp nhằm cách ly động vật khác như chim, chuột, chó, mèo, ruồi, muỗi, kiến, gián nhằm hạn chế lây lan mầm bệnh cũng như ngăn chặn mầm bệnh mới xâm nhập từ bên ngoài vào trang trại.

Trên đây là một số biện pháp quản lý nhằm kiểm soát dịch bệnh một cách tối ưu nhất. Chúc quý bà con chăn nuôi ngày càng hiệu quả và luôn cùng nhau vượt qua cơn bão giá hiện nay.

(Vet Team)

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên