Bệnh hô hấp phức hợp trên heo hay còn gọi tắt là PRDC (Porcine Respiratory Disease Complex) gây ra những thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi như làm tăng tỷ lệ chết trong đàn, giảm FCR, kéo dài thời gian xuất chuồng, tăng chi phí dung thuốc,.. Kiểm soát bệnh hô hấp phức hợp trên heo và chẩn đoán sớm cũng như xác định được chính xác bệnh rất có ý nghĩa không chỉ trong điều trị bệnh mà còn trong việc quản lý và kiểm soát bệnh này.

PRDC trên heo không phải là bệnh mới, bệnh thường xảy ra do sự kết hợp của nhiều mầm bệnh trên đường hô hấp trong cùng một thời điểm gồm các mầm bệnh khởi phát như bệnh do Mycoplasma hyopneumoniae, virus cúm, PRRS; kéo theo đó tạo điều kiện cho các nguyên nhân thứ phát như vi khuẩn Bordetella bronchiseptica, Pasteurella multocida, Heamophilus pneumoniae, APP (Actinobacillus pleropneumoniae), streptococcus suis, Salmonella cholerasuis gây bệnh.

Bệnh tích phổi thường quan sát thấy trên heo nhiễm bệnh PRDC:

A. Vùng phổi có màu đỏ sậm đến tím điển hình trên heo nhiễm Mycoplasma;

B. Viêm màng phổi trên heo;

C. Ổ áp-xe trên phổi heo nhiễm APP;

D. Viêm phổi dính sườn.

(Nguồn: NADIS)

PRDC thường xảy ra trên heo sau cai sữa và nuôi thịt. Mầm bệnh có nhiều ở phổi, phủ tạng, dịch tiết đường hô hấp, dịch mũi cua heo bệnh. Đầu tiên các mầm bệnh như Mycoplasma hyopneumoniae tấn công gây tổn thương lông rung, niêm mạc khí quản và suy giảm miễn dịch tạo điều kiện cho các vi khuẩn phụ nhiễm tấn công như Bordetella bronchiseptica và Pasteurella multocida type D gây viêm teo mũi truyền nhiễm, Heamophilus pneumoniae gây viêm đa xoang, đa khớp có sợi fibrin, Actinobacillus pleropneumoniae gây bệnh viêm phổi đốm, phổi bị tụ huyết, phổi dính sườn, Streptococcus suis gây viêm đa xoang, đa khớp viêm phổi mủ và Salmonella cholerasuis gây bệnh viêm phổi xung huyết.

Bệnh có thời gian nung bệnh ngắn từ 5-7 ngày và bệnh thường xảy ra ở thể cấp tính. Heo nhiễm bệnh thường có triệu chứng như sốt cao, yếu, bỏ ăn, ốm nhanh. Ho, hắt hơi, dịch nhày chảy từ mũi ra, khó thở, há miệng để thở, có tư thế ngồi thở như chó ngồi, thở thể bụng. Bệnh tích phổi ghi nhận phổi bị nhục hóa, xẹp, có nhiều đốm xuất huyết, cứng và có màu đỏ sẫm, đôi khi có mủ. Bên cạnh các, bệnh tích viêm phổi dính sườn, xoang bao tim tích nước, tràn dịch màng phổi và xoang bụng và viêm khớp cũng được ghi nhận

Kểm soát bệnh hô hấp phức hợp trên heo chỉ thật sự có hiệu quả khi thực hiện đồng loạt các biện pháp tác động đến tất cả các nhóm yếu tố nguyên nhân gây ra bệnh. Điều quan trọng là cần phải đánh giá cho đúng tình trạng bệnh, nguyên nhân, tác nhân vi sinh vật gây bệnh, ... để áp dụng các biện pháp phòng bệnh thích hợp. Để có thể thực hiện được điều này các trại nên tham vấn ý kiến của các chuyên gia, bác sỹ thú y. Về cơ bản chiến lược kiểm soát bệnh hô hấp phức hợp trên heo dựa trên 3 nhóm biện pháp: sử dụng kháng sinh để phòng và trị, tiêm phòng các bệnh nguy hiểm liên quan đến bệnh lý trên đường hô hấp và tăng cường công tác quản lý của trại trên tất cả các phương diện.

Chủ động áp dụng và chỉ nên sử dụng kháng sinh ở các giai đoạn, thời điểm heo dễ bị stress nhất (chuyển chuồng, chuyển giai đoạn nuôi, thay đổi cám, thời tiết thất thường, ...). Để phòng bệnh tốt nhất là sử dụng kháng sinh qua thức ăn, nước uống. Trên heo bệnh nên sử dụng liệu pháp tiêm và khi đàn bị bệnh nặng nên tiêm cho toàn đàn. Nếu sử dụng kháng sinh có thời gian tác động lâu sẽ có lợi trong việc giảm stress cho heo và chi phí lao động. Một số kháng sinh được sử dụng phổ biến trong phòng chống bệnh hô hấp phức hợp trên heo như: Chlortetracycline, tiamulin, lincomycin, bacitracin, doxycycline, tulathromycin, valnemulin, penicillin, amoxicillin, ceftiofur,, florfenicol, gentamicin, enrofloxacin, ...

Giải pháp tiêm phòng thật sự quan trọng và hữu ích đối với các trại có vấn đề nghiêm trọng về bệnh vì sẽ làm giảm được áp lực vi sinh vật gây bệnh theo thời gian, tuy nhiên giải pháp này chỉ có hiệu quả nêu công tác quản lý trại cũng được cải thiện. Những vắc xin chủ yếu cần phải tiêm phòng đối với các trại có nguy cơ cao đó là PRRS, PCV2, Mycoplasma, Pasteurella, ... Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiêm phòng, tốt nhất các trại nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia, bác sỹ thú y dựa theo tình hình dịch bệnh của từng trại.

Công tác quản lý nói chung bao gồm quản lý môi trường, đàn heo, dinh dưỡng, miễn dịch đàn, ... được xem là yếu tố quyết định đến thành công của chiến lược kiểm soát bệnh hô hấp phức hợp trên heo. Nếu không chú ý cải thiện công tác quản lý ở trại thì việc phòng chống bệnh bằng kháng sinh, kể cả bằng vắc xin sẽ chỉ có hiệu quả thấp. Ví dụ, nếu trại để mật độ nuôi dày, thông khí kém, nhiệt độ thất thường, ... sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các yếu tố stress tác động đến thú, làm giảm sức đề kháng, tổn thương đường hô hấp của thú, ... hậu quả làm gia tăng khả năng nhiễm bệnh của heo. Để công tác quản lý trại nói chung đạt được kết quả tốt, trại cần chú ý đến một số khía cạnh quản lý như sau: mật độ nuôi, quy mô đàn,, môi trường (vệ sinh tiêu độc, nhiệt độ, ẩm độ, nồng độ khí NH3, bụi, thông thoáng, ...), dinh dưỡng, quy trình chăn nuôi, chọn giống, thay thế đàn nái hợp lý, hạn chế nguồn nhập heo...

(Vet Team)

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên