Ngày 14/8, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn TP Hồ Chí Minh và sàn giao dịch thịt heo tại TP Hồ Chí Minh giữa Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đã ký kết hợp tác xây dựng sàn giao dịch thịt heo TP Hồ Chí Minh.

Theo nội dung hợp tác, các bên sẽ nghiên cứu xây dựng và vận hành Sàn Giao dịch thịt heo tại TP Hồ Chí Minh theo hình thức hợp đồng giao dịch giao ngay và hợp đồng giao dịch kỳ hạn đối với sản phẩm thịt heo.

Theo giới chuyên gia, việc xây dựng sàn giao dịch thịt heo tại TP Hồ Chí Minh không chỉ mang lại lợi ích cho người chăn nuôi, người tiêu dùng mà còn đem lại lợi ích cho các công ty chăn nuôi công nghiệp, phát triển phân khúc thịt heo thương hiệu.

Về cơ bản, ngành chăn nuôi tại TP Hồ Chí Minh đang phát triển theo xu hướng giết mổ tự động hoàn toàn, bảo quản thịt bằng xe lạnh. Sàn giao dịch thịt heo được kỳ vọng sẽ góp phần hiệu quả để giúp thành phố thực hiện quy hoạch chăn nuôi hiện đại, giảm dần chăn nuôi tự phát và xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo quy mô công nghiệp. Đây là cơ sở quan trọng cho việc hình thành ngành chăn nuôi heo cho các tỉnh lân cận theo hướng công nghiệp bền vững.

“Việc xây dựng sàn giao dịch thịt heo sẽ đặt lợi ích của người dân thành phố lên trên hết. Các bên tham gia cần nhanh chóng nghiên cứu, xây dựng đề án để sàn giao dịch sớm đi vào hoạt động”, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) nói về lợi ích của Sàn Giao dịch thịt heo.

Nhận định của ông Hoà cũng tương đồng với nhận định của ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh.

Ông Phương cho biết: “Mô hình sàn giao dịch với công nghệ và cách vận hành hiện đại này được kỳ vọng sẽ giúp cả người chăn nuôi và người tiêu dùng không bị thao túng giá, quyền lợi được bảo vệ; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được nâng cao. Đồng thời quy mô ngành công nghiệp chăn nuôi của thành phố sẽ từng bước đi vào chiều sâu”.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa – nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM – đánh giá việc Sở Công Thương hợp tác với Sàn Giao dịch hàng hóa Việt Nam triển khai sàn giao dịch thịt heo sẽ mang lại nhiều lợi ích như: hạn chế tầng lớp trung gian, tạo cơ hội cho cơ quan quản lý nhà nước điều tiết cung cầu, bắt nhịp với xu thế đưa công nghệ thông tin ứng dụng giao dịch điện tử khi giao dịch hàng hóa…

Ông Trần Văn Dai, thành viên HĐQT phụ trách mảng chăn nuôi Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), cho biết dù chưa rõ cách thức hoạt động của sàn giao dịch thịt heo của TP HCM nhưng tinh thần là DN rất ủng hộ. Bởi lẽ, đây là phương thức buôn bán hiện đại, có tiêu chuẩn rõ ràng, thuận tiện cho việc “khớp lệnh”. Còn như hiện tại, HAGL đang bán heo và nhận tiền thanh toán ngay tại trại. Giá heo tại Gia Lai thường thấp hơn TP HCM do chưa có tiền vận chuyển.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng chuỗi cung ứng thịt heo của Việt Nam bị đánh giá là còn có nhiều khâu trung gian khiến giá thành bị đội lên. Vì vậy, người chăn nuôi bán giá thấp nhưng người tiêu dùng phải mua giá cao.

“Thời gian qua, nhiều đơn vị đã áp dụng các mô hình mới nhằm rút ngắn chuỗi cung ứng từ trang trại đến người tiêu dùng nhưng hầu như chưa có mô hình nào thành công. Có một nghịch lý là những đơn vị bán trực tiếp giá lại cao hơn trung gian. Đây là thách thức cho những phương thức kinh doanh mới trong điều kiện sản xuất – kinh doanh thịt heo có nhiều tính đặc thù như Việt Nam” – ông Công nhận xét.

Theo ông Công, nghiên cứu các nước chăn nuôi phát triển như Mỹ, Canada cho thấy các trang trại chăn nuôi chủ yếu quy mô lớn. Khi chăn nuôi, họ đăng ký với nhà máy giết mổ và sau khi heo giết mổ, tùy thuộc vào chất lượng thịt mới biết giá bán.

Ông Công cho rằng để thịt heo giao dịch qua sàn, cần có tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng và được áp dụng đại trà trong khi ở Việt Nam, muốn làm được điều này cần thời gian khá dài. Tuy nhiên, ông kỳ vọng sàn giao dịch thịt heo Việt Nam sẽ có những đột phá để giúp ngành chăn nuôi heo phát triển tốt hơn.

Trong khi đó, bà Võ Thị Huyền Trang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết do đề án quá mới mẻ nên chưa triển khai đến thương nhân. Tuy nhiên, đây là sàn giao dịch sỉ, để người tiêu dùng được mua với giá hợp lý hơn thì cần thêm giải pháp khác cho khâu phân phối lẻ.

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên