Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có hướng dẫn đối với các tỉnh, thành phố trong việc phối hợp với doanh nghiệp để tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi được rộng rãi hơn, hiệu quả tốt hơn.

Tại cuộc họp đánh giá kết quả giám sát chất lượng và sử dụng 2 loại vaccine dịch tả lợn châu Phi: NAVET-ASFVAC của Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO (Công ty NAVETCO) và AVAC ASF LIVE của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam (Công ty AVAC) sáng ngày 15/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, để các doanh nghiệp phát triển sản phẩm không chỉ cho thị trường trong nước mà còn thế giới, Bộ sẽ lựa chọn phương án giao cho các doanh nghiệp chủ động giám sát trong quá trình tiêm phòng, tự chịu trách nhiệm kiểm nghiệm chất lượng vaccine. Bởi, trong quá trình nghiên cứu, giám sát, tiêm trên diện hẹp các đơn vị đã có đủ đội ngũ, kinh nghiệm, trang thiết bị… để đánh giá.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết, Bộ sẽ có hướng dẫn đối với các tỉnh, thành phố trong việc phối hợp với doanh nghiệp để tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi được rộng rãi hơn, hiệu quả tốt hơn.

Ông Trần Xuân Hạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty NAVETCO cho biết, để chuẩn bị cho triển khai tiêm phòng, Công ty NAVETCO đã sản xuất 6 lô vacccine dịch tả lợn châu Phi thương mại với 1.073.175 liều.

Từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, Công ty NAVETCO đã cung ứng và phối hợp với các cơ quan chuyên môn giám sát triển khai tiêm vaccine NAVET-ASFVAC trên 7 quy mô đàn khác nhau từ 50 lợn/hộ đến 2000 lợn/trại, tại 132 cơ sở thuộc 23 tỉnh, thành phố. Tổng số liều tiêm được là 47.435 liều; trong đó tiêm có giám sát là 29.685 liều.

Kết quả kiểm tra kháng thể sau tiêm đạt 85,5% đối với mũi 1 và 97,4% đối với mũi 2, tỷ lệ trung bình cả 2 mũi đạt 95,5%.

Đến nay, tổng số liều vaccine dịch tả lợn châu Phi NAVET – ASFVAC đã được triển khai tiêm phòng trên thực địa đạt 7,9% so với kế hoạch (kế hoạch 600.000 liều).

Sau 1 năm Việt Nam công bố trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công vaccine phòng bệnh dịch tả heo châu Phi, đến thời điểm này, hơn 650 nghìn liều vaccine đã được tiêm cho đàn heo nông hộ cũng như trang trại ở hơn 30 tỉnh thành phố và cho kết quả đầy khả quan. Đây là tiền đề để Việt Nam có thể thương mại rộng rãi vaccine phòng bệnh dịch tả heo châu Phi trong thời gian sớm nhất.

Kết quả thu thập từ hơn 650 nghìn liều vaccine đã được tiêm cho thấy, heo được tiêm khoẻ mạnh, tăng trưởng, phát triển bình thường. Tỷ lệ kháng thể sau tiêm 2 mũi đạt trung bình 95%. Kháng thể tăng dần sau khi tiêm và duy trì cho đến khi heo xuất chuồng. Kết quả này cũng được các tổ chức thú y uy tín thế giới đánh giá cao.

Đầu năm nay, ngành thú y Philippines và Cộng hòa Dominica cũng đã đề nghị được sử dụng vaccine dịch tả heo châu Phi của Việt Nam tại các quốc gia này. Kết quả cho thấy vaccine an toàn, hiệu quả cho hàng nghìn heo tiêm thử nghiệm, và đang có kế hoạch xin hỗ trợ và nhập khẩu thêm.

Đầu năm 2019, bệnh dịch tả heo châu Phi bùng phát tại Việt Nam đã khiến hơn 6 triệu con heo bị tiêu hủy, thiệt hại hơn 30 nghìn tỷ đồng, hơn 3,5 triệu hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng, hơn 1 triệu hộ không thể nuôi heo trở lại.

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên